30 dự án đoạt giải Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010

30 dự án đoạt giải Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010

Sau gần hai ngày diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam (VID) 2010 với chủ đề “Biến đổi khí hậu” (BĐKH) do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, TƯ Đoàn TNCS HCM tổ chức đã kết thúc sáng 6-5. 30 đề án xuất sắc nhất trong số 61 đề án lọt vào vòng chung khảo đã được trao giải, với tổng số tiền trị giá hơn 8 tỷ đồng.

Mỗi ý tưởng đều góp phần thích ứng với BĐKH

Mặc dù 30 dự án đoạt giải của VID năm 2010 là 30 ý tưởng sáng tạo khác nhau, song các dự án đều có mục đích chung là đóng góp vào cuộc chiến chống BĐKH của Việt Nam cũng như toàn thế giới. Với từng cách khác nhau, từ việc tạo ra các sáng kiến lồng ghép nội dung BĐKH, lập quán café cho thanh niên để nâng cao nhận thức về BĐKH, hoặc cải tiến bếp đun truyền thống để giảm thải carbon … v.v. Tất cả các dự án đều được đánh giá cao về tính sáng tạo và cam kết của chủ dự án.

Với dự án “Bếp đun cải tiến tiết kiệm củi để giảm suy thoái và phá rừng” do Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cao Bằng thực hiện tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, có ý tưởng sáng tạo rất đơn giản. Tác giả của dự án chỉ thay thế bếp kiềng truyền thống thành hệ thống bếp được thiết kế để tận dụng nhiệt lượng được tối đa. Chỉ như vậy thôi nhưng lượng củi tiết kiệm được từ mỗi bếp là vô cùng lớn.

Hay dự án “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân thông qua ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến” của Trung tâm hợp tác quốc tế Đại học Thái Nguyên lại mang tính sáng tạo độc đáo. Đó là phương pháp canh tác dựa trên các nguyên tắc, kỹ thuật phù hợp giúp cho cay lúa phát triển một cách tốt nhất. Phương pháp này có 5 nguyên tắc cơ bản như cấy mạ non khi cây có 2 đến 2,5 lá đối với đất thường, 4- 5 lá đối với đất phèn. Cấy một dảnh và cấy thưa, quản lý nguồn nước, làm cỏ sục bùn… Áp dụng phương pháp này có thể tiết kiệm được đến 75% giống, 50% lượng nước tưới, giảm 50 đến 1005 thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng xuất từ 13 đến 29%.

Chủ đề “nóng” trên toàn thế giới

Nhận xét về chủ đề của VID 2010 nhiều thành viên ban giám khảo cho rằng, Chủ đề của VID năm nay đã đề cập đến vấn đề nóng không chỉ trên thế giới mà đang thời sự ở Việt Nam, bởi những năm gần đây BĐKH đã có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đến kinh tế và đời sống của người dân. Năm 2009, hàng loạt thiên tai như sóng thần, động đất, bão lũ… liên tục xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Châu Á. Năm 2009, Việt nam phải đối mặt với rất nhiều cơn bão lớn, rồi lở đất, lũ quét, thiệt hại khá nặng nề.

Là một nhà báo chuyên viết, biên tập bài về vấn đề môi trường, nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường của Đài TNVN, thành viên ban giám khảo cuộc thi cho biết, từ đầu năm đến nay BĐKH hay nói cách khác là ảnh hưởng do hiệu ứng nhà kính gây nên hiện tượng En Ninô với những biểu hiện bất thường của thời tiết ở nước ta: mùa xuân thời tiết gần như mùa hè, ít mưa phùn, khô hạn nghiêm trọng… Đó là những biểu hiện rõ nét của hiện tượng trái đất ấm dần lên.

Ông Nguyễn Đức Tiến TGĐ Cty CP Quảng Cáo Nhất nhận giải thưởng với đề án "Thích ứng với biến đổi khí hậu", người thứ hai từ trái qua

Ông Nguyễn Đức Tiến TGĐ Cty CP Quảng Cáo Nhất nhận giải thưởng với đề án “Thích ứng với biến đổi khí hậu”, người thứ hai từ trái qua

“Như vậy, BĐKH là một chủ đề mang tính thời sự rõ rệt, vì vậy VID năm nay đã chọn chủ đề BĐKH là một sự lựa chọn đúng đắn, phù họp với vấn đề mà cả thế giới cũng như Việt Vam cùng quan tâm. Việc chọn chủ đề này cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng từ đó có những hành động thiết thực để chống lại hiện tượng BĐKH” – nhà báo Thu Hà khẳng định.

Nhà báo Bùi Quang Duẩn, phóng viên chuyên đề môi trường của báo Thanh Niên, thành viên ban giám khảo cuộc thi cho biết, việc WB lựa chọn chủ đề VID năm nay là BĐKH có ý nghĩa to lớn, không chỉ góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐKH mà còn kêu gọi, khuyến khích các cá nhân, tổ chức hiến kế bằng những dự án cụ thể trong việc thích ứng và giảm thiểu hậu quả do BĐKH và mực nước biển dâng gây ra.

Cuộc thi không có người thua

“Ở cuộc thi này, không có người thua, chỉ có những người chiến thắng đoạt giải và những người chiến thắng không đoạt giải” – ông Nguyễn Hồng Ngân, Cán bộ phụ trách Truyền thông và đối ngoại của WB, Quản lý Chương trình VID năm 2010 khẳng định tại lễ trao giải.

Phát biểu tại Lễ trao giải, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, đồng thời là thành viên ban giám khảo cuộc thi nói: “Mỗi ý tưởng thể hiện tính sáng tạo của người dân Việt Nam N khi tìm ra những giải pháp cho vấn đề họ đối mặt. Các dự án này thể hiện trách nhiệm của các tổ chức dân sự và cộng đồng trong việc hỗ trợ chính phủ tìm ra giải pháp”.

Là người tham gia chấm vòng sơ khảo, nhà báo Quang Duẩn nhận thấy, nhiều dự án đã được xây dựng một cách công phu, đề ra các giải pháp hữu ích với những cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH để từ đó thay đổi hành vi theo hướng tích cực, hoặc những giải pháp thích ứng với BĐKH ở một khu vực nhất định, trong đó có nhiều cách làm có thể nhân rộng, triển khai trên diện rộng.

“Nhìn chung các dự án dự thi năm nay đều rất công phu, tỉ mỉ. Nhiều dự án có tính sáng tạo rất cao. Hình thức trình bày dự án cũng bài bản hơn. Điều này thể hiện các tác giả rất có ý thức khi tham gia dự thi và tìm hiểu khá kỹ càng về cuộc thi VID năm nay” – nhà báo Thu Hà nhận xét về chất lượng các dự án dự thi năm nay.

Tuy nhiên nhà báo Thu Hà cho rằng, để các dự án đoạt giải được triển khai hiệu quả lâu dài, WB cần có sự giám sát chặt chẽ và có sự hỗ trợ “dài hơi” hơn về vật chất. Ban đầu có thể chỉ là cho 1 dự án được giải cao nhất chẳng hạn. Như vậy, việc hỗ trợ sẽ thiết thực hơn, hiệu quả cao hơn, lâu dài hơn mà người ta sẽ nhớ đến WB lâu hơn.